Giới thiệu ngành Kiến trúc

Bạn có thấy thích thú trước những ngôi nhà hay những công trình mang vẻ đẹp độc đáo. Đó chính là những sản phẩm của Ngành Kiến trúc. Khác với tư tưởng của con người nhiều năm về trước là “Ăn no, mặc ấm”, ngày nay, đời sống con người ngày càng được nâng cao đi liền với nhu cầu “Ăn ngon, mặc đẹp”. Khi cái đẹp được chú trọng thì đồng thời Ngành Kiến trúc cũng lên ngôi. Không chỉ những công trình lớn, những ngôi nhà cũng được chủ nhân trau chuốt cho một dáng vẻ đẹp nhất. Với những đam mê và kỹ năng cần thiết bạn có thể trở thành một ứng viên sáng giá của ngành này.

Ngành Kiến trúc là gì?

Ngành Kiến trúc là ngành học đòi hỏi sự kết hợp của cả hai yếu tố mỹ thuật và kỹ thuật nhằm tạo ra những sản phẩm là các bản thiết kế các công trình kiến trúc, các bản quy hoạch tổ chức không gian một cách hợp lý nhất. Tham gia học Ngành Kiến trúc, người học sẽ được đào tạo các kỹ năng cần thiết về các yếu tố mỹ thuật trong thiết kế, các kỹ năng vẽ kỹ thuật, thiết kế mô hình và các kỹ năng sử dụng phần mềm chuyên ngành hỗ trợ thiết kế. Bên cạnh đó, người học cũng được đào tạo các kỹ năng hỗ trợ khác như Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sử dụng tiếng Anh chuyên ngành và kỹ năng làm việc nhóm,…

Học ngành kiến trúc cần những gì?

Khi quyết định lựa chọn ngành học để đầu tư kiến thức cho tương lai, các bạn thí sinh cần phải tìm hiểu kĩ sở thích cũng như khả năng của bản thân, đặc biệt là Ngành Kiến trúc.

Do đặc thù của ngành này, để học tốt, các bạn cần phải có chút năng khiếu về mỹ thuật, hội họa, có cái nhìn thẩm mỹ đối với cuộc sống xung quanh để có thể bố trí đối tượng vào bối cảnh một cách hợp lý và độc đáo nhất.

Bên cạnh đó, bạn phải có kiến thức về khoa học tự nhiên như Toán học, Vật lý, Vẽ Kỹ thuật,… để có thể đưa ra sự tính toán chính xác đối với các thông số kỹ thuật của mỗi công trình cũng như thiết kế không gian một cách chuẩn xác. Nếu bạn thông thạo kỹ năng tin học thì đó là một lợi thế, việc học ngành kiến trúc sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn với việc sử dụng các phần mềm chuyên ngành trong hỗ trợ thiết kế.

Ngoài ra, để ý tưởng thiết kế đảm bảo hiện đại nhất, bắt kịp xu hướng thẩm mỹ của thời đại thì các bạn cần phải đam mê sáng tạo nghệ thuật, ý chí cầu tiến, ham học hỏi, và óc quan sát. Các tác phẩm kiến trúc đẹp, hợp thời sẽ nâng bước cho bạn đến với sự thành công nhanh hơn trên con đường sự nghiệp.

Cơ hội việc làm Ngành Kiến trúc

Trong mắt mọi người, có lẽ công việc của các kiến trúc sư chỉ gói gọn trong các công việc về thiết kế các công trình xây dựng. Nhưng có đi sâu tìm hiểu mới thấy, cơ hội nghề nghiệp Ngành Kiến trúc vô cùng rộng mở với nhiều vị trí:

–       Thiết kế các công trình xây dựng.

–       Giám sát thi công đúng thiết kế tại các công trình xây dựng.

–       Tư vấn kiến trúc như tư vấn về vật liệu, thiết bị, đồ dùng tại các doanh nghiệp

–       Lên ý tưởng trang trí không gian nội thất cho các công trình theo yêu cầu khách hàng.

–       Lập tiêu chuẩn kỹ thuật cho các dự án, công trình.

–       Tham gia giảng dạy tại các cơ sở đào tạo có đào tạo ngành Kiến trúc.

Không chỉ là sở thích mà còn là sự băn khoăn về cơ hội việc làm khi lựa chọn học ngành kiến trúc. Nhưng các bạn không phải lo lắng khi hiện nay, nhu cầu thẩm mỹ tăng lên khiến Ngành Kiến trúc trở thành một trong những ngành mang lại thu nhập tốt nhất, nhận được sự quan tâm của không ít các bạn thí sinh cũng như phụ huynh.

Các chuyên ngành đào tạo
Kiến Trúc Công Trình (Mã ngành: 7580102; Mã chuyên ngành: 107)
+ Môn Xét tuyển theo Học bạ: Toán, Lý, Vẽ/Toán, Văn, Vẽ.
+ Môn Xét tuyển theo kết quả kỳ thi THPTQG: Toán, Lý, Vẽ/Toán, Văn, Vẽ/Toán, KHTN, Vẽ/Toán, KHXH, Vẽ.
Kiến trúc Nội thất (Mã ngành: 7580102; Mã chuyên ngành: 108)
+ Môn Xét tuyển theo Học bạ: Toán, Lý, Vẽ/Toán, Văn, Vẽ.
+ Môn Xét tuyển theo kết quả kỳ thi THPTQG: Toán, Lý, Vẽ/Toán, Văn, Vẽ/Toán, KHTN, Vẽ/Toán, KHXH, Vẽ.