Tin tức
Quan điểm sai lầm với Nghệ thuật vẽ tranh đường phố
Nếu trước đây, việc có ai đó dùng sơn xịt lên tường nơi công cộng sẽ bị xem là phạm pháp, là gây mất mỹ quan đô thị; thì bây giờ, bích họa đã trở thành một loại hình nghệ thuật được nhiều người ưa chuộng. Ở nhiều nơi nó đã trở thành sản phẩm du lịch như Melbourne (Úc).
Tại Melbourne, khi đi qua các đường phố lớn hay những con hẻm nhỏ bạn cũng dễ dàng nhìn thấy các bức tranh được vẽ trên tường, ở nơi đó người ta gọi là “Nghệ thuật đường phố”.
Sản phẩm du lịch
Theo trang web chính của Melbourne thì “thành phố Melbourne thừa nhận tầm quan trọng của nghệ thuật đường phố trong việc đóng góp vào sức sống của văn hóa đô thị”. Cũng trên trang web này, nghệ thuật đường phố của Melbourne đã nổi tiếng toàn thế giới, trở thành một sản phẩm của du lịch thu hút khách quốc tế lẫn trong nước khi đến với Melbourne.
Tranh bích họa vẽ trên tường hay còn được gọi là graffiti có nguồn gốc từ Philadelphia ở thập niên 1960, rồi lan rộng đến New York vào đầu thập niên 1970. Tại New York, tranh vẽ đường phố đã phát triển mạnh mẽ. Còn đối với Melbourne, bích họa bắt đầu xuất hiện ngay sau phong trào vẽ trên tường ở thành phố thương mại toàn cầu của nước Mỹ.
Tranh vẽ đường đường phố đã có những đóng góp rất lớn với thành phố Melbourne, nó khiến có những con hẻm buồn tẻ ở khu trung tâm trở nên thu hút hơn rất nhiều. Không chỉ trên tường, trên thùng rác, trên các mái nhà thậm chí là trên mặt đường,… tranh vẽ đường phố đều có thể xuất hiện.
Khác với những họa sĩ khác, họa sĩ vẽ trang đường phố thường vẽ vì đam mê là chủ yếu, họ không nghĩ nhiều đến tiền bạc nhưng điều này không đồng nghĩa với việc những bức bích họa đường phố không được chăm chút, trái lại những bức tranh đường phố lại rất tỉ mỉ, thu hút và cứ mỗi ngày lại có một tác phẩm đường phố mới ra đời; những bức tranh cũ sẽ bị xóa hoặc mờ đi.
Khi nhìn lướt qua, những bức tranh đường phố có vẻ rất rời rạc, không thống nhất nhưng khi nhìn toàn cảnh thì bạn sẽ thấy dường như giữa chúng có một sợi dây liên kết vô hình, chúng kể lại một câu chuyện xuyên suốt.
Vẫn có sự kiểm soát
Tranh vẽ đường phố là tự do nhưng không phải ở đâu cũng có thể vẽ và cái gì cũng được vẽ. Các họa sĩ phải xin phép chủ nhân nhà có tường – cái này là rất quan trọng. Theo nguyên tắc, người vẽ tranh đường phố tuyệt nhiên không được vẽ lên tường loại graffiti “tagging”, tức tên mình, mà phải là những loại tranh có tính nghệ thuật. Nếu không làm đúng yêu cầu, chính quyền có thể xóa ngay khi chúng bị phát hiện.
Những bức vẽ đường phố còn có thể bị phá hủy bởi thời gian. Quả thật là một loại nghệ thuật phù du. Nikita Golubev, họa sĩ đường phố người Nga (chuyên vẽ lên hông xe tải những hình ảnh đời thường), từng nhận xét với hãng tin AP: “Đôi khi nghệ thuật chỉ nhằm mua vui một chút thôi!”.
Đã từng có một bức bích họa của nghệ sĩ nổi tiếng bị… phá hủy sai; đó là bức tranh “chuột nhảy dù” của Banksy, vẽ vào năm 2003, bị công nhân do Tòa thị chính Melbourne thuê xóa lộn vào tháng 4 – 2010. Chính năm đó, người họa sĩ đường phố người Anh này được đưa vào danh sách “Những người có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới” của tuần báo Mỹ Time, bên cạnh nữ ca sĩ Lady Gaga, Steve Jobs của Apple, và Tổng thống Mỹ thời ấy, Barack Obama.
Sau đó, nhà chức trách Melbourne đã lên cả một kế hoạch về quản lý graffiti từ 2014-2018, xem đây như kim chỉ nam cho việc ra tay dọn dẹp bích họa bất hợp pháp và quản lý bích họa nghệ thuật và hợp pháp trong thành phố. Tức có vòng cương tỏa cả!
Trong năm 2007, chính quyền thành phố đã đề ra sáng kiến “hãy làm nghệ thuật chứ không nên vẽ bậy với tên mình” nhằm định hướng cho học sinh phân biệt giữa graffiti với nghệ thuật đường phố. Đối với thành phố Melbourne, nghệ thuật đường phố không chỉ là bích họa, mà đó còn là những tác phẩm nho nhỏ như ảnh chân dung đóng khung, tượng gỗ tạc hình người (nhỏ), miếng mảnh gốm hình dạng không rõ ràng…
Chính vì thế, thành phố này đã thu hút rất nhiều những họa sĩ đường phố nổi tiếng ở khắp nơi trên thế giới.
Những bức tường ở Melbourne đã trở thành thỏi nam châm hút du khách từ nhiều nơi đến đây để được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo, khác biệt của những tác phẩm đường phố này.
Pingback: Thị trấn rực rỡ nhất thế giới | Ngành Kiến trúc