Cơ hội nghề nghiệp
Ngành Kiến trúc ra làm gì?
Ngành Kiến trúc hiện nay có một sức hút không nhỏ đối với sinh viên; khi mà các công trình xây dựng mọc lên ngày càng nhiều kèm theo những yêu cầu thẩm mĩ về kiến trúc. So với ngày trước; đời sống kinh tế được cải thiện đáng kể, cái đẹp càng được chú trọng và nâng tầm; cơ hội nghề nghiệp ngành kiến trúc càng được rộng mở. Vậy ngành Kiến trúc ra làm gì? Bạn đã biết.
Kiến trúc sư thiết kế công trình dân dụng, công nghiệp
Là kiến trúc sư thiết kế công trình dân dụng, công nghiệp, đối tượng thiết kế của bạn có thể là:
– Công trình dân dụng: Nhà ở,…
– Công trình công cộng phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, mua sắm, học hành,… cho người dân như: khu vui chơi, siêu thị, bảo tàng, trường học, nhà hát, sân bay,…
– Công trình công nghiệp: Nhà máy, xí nghiệp,..
Đối với việc thiết kế các công trình này, nhiệm vụ của kiến trúc sư là đưa ra ý tưởng và thiết kế công trình; lựa chọn vật liệu phù hợp, tính toán thời gian hoàn thành, chi phí của công trình; giám sát thi công về việc thực hiện đúng bản thiết kế và đảm bảo tiến độ thực hiện công trình theo kế hoạch.
Kiến trúc sư thiết kế nội thất
Là kiến trúc sư thiết kế nội thất; bạn phải thực hiện việc lựa chọn, phối hợp một cách khéo léo để tạo ra không gian độc đáo, tinh tế nhưng vẫn đảm bảo thuận tiện trong sử dụng; đáp ứng theo phong cách khách hàng mong muốn. Do đó, để trở thành một kiến trúc sư nội thất; bạn phải trau dồi kiến thức văn hóa, xã hội để bắt kịp xu hướng mới và phải có óc sáng tạo kèm với tư duy thẩm mỹ.
Nếu bạn là kiến trúc sư thiên về kỹ thuật nhưng lựa chọn ngành nghề thiết kế nội thất bạn có thể phối hợp với các họa sĩ để đạt được hiệu quả tối đa trong công việc.
Quy hoạch xây dựng
Trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng; tùy theo đối tượng quy hoạch, các kiến trúc sư sẽ có nhiệm vụ cụ thể.
– Đối với quy hoạch vùng; kiến trúc sư phải dựa vào kế hoạch “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội” của vùng đã được phê duyệt để bố trí phân bổ dân cư, hệ thống hạ tầng văn hóa xã hội,kỹ thuật, khu công nghiệp, các khu kinh tế đặc thù,…đáp ứng việc kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia và lợi ích của người dân.
– Đối với quy hoạch đô thị; kiến trúc sư phải có nhiệm vụ tổ chức, sắp xếp hệ thống không gian đô thị như khu dân cư, hệ thống giao thông, khu vui chơi, khu văn hóa thể thao, công viên, nhà hát,…sao cho thuận tiện cho việc sử dụng của người dân và đáp ứng yêu cầu về điều kiện thiên nhiên, môi trường, địa hình,…
Thiết kế cảnh quan, đô thị
Đối tượng thiết kế của lĩnh vực này là một khu vui chơi giải trí, đường hoa, tuyến phố đi bộ,…Nhiệm vụ của kiến trúc sư là tìm hiểu lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán của người dân và đưa ra ý tưởng mang đậm nét đặc trưng văn hóa của khu đô thị.
Tư vấn kiến trúc
Một trong những ngành nghề được không ít kiến trúc sư lựa chọn đó là tư vấn kiến trúc tại các văn phòng kiến trúc. Để thực hiện tốt công việc này; các kiến trúc sư phải nhanh nhạy trong việc nắm bắt yêu cầu khách hàng, có kiến thức rộng rãi trong các lĩnh vực.
Tham gia công tác đào tạo tại các trường có đào tạo ngành Kiến trúc
Tốt nghiệp ngành Kiến trúc sư; bạn có thể tham gia giảng dạy chuyên môn tại các trường có đào tạo ngành Kiến trúc. Hiện nay; trên cả nước có rất nhiều trường dạy ngành Kiến trúc, nếu muốn đi dạy; bạn có thể lựa chọn cho mình một môi trường phù hợp.
Từ một vài công việc ngành Kiến trúc đã được liệt kê ở trên, có lẽ thắc mắc “Ngành Kiến trúc ra làm gì?” của các bạn đã được giải quyết phần nào. Mong rằng bài viết này đã cho bạn thêm nhiều tư liệu để tham khảo.