Kiến thức kỹ năng
Các Kiến trúc sư có thực sự hiểu hết về công việc của mình?
Được mệnh danh là “nghề hào hoa nhất trong tất cả các nghề”, ngành Kiến trúc chưa bao giờ mất đi sức hút mãnh liệt đối với giới trẻ, nhất là trong giai đoạn phát triển đô thị ngày càng cao và cái đẹp ngày càng lên ngôi như hiện nay; ngày càng nhiểu bạn trẻ muốn trở thành kiến trúc sư.
Người “định hình thế giới tương lai”
Kiến trúc là ngành đặc thù nằm giữa hai lĩnh vực: nghệ thuật và kỹ thuật. Nếu như một nghệ sĩ đi trên dây giỏi ngoài yêu cầu khả năng tập trung cao độ, còn phải có đủ dẻo dai, vừa giữ thăng bằng tốt, xác định được trọng tâm vừa phô diễn những động tác múa mềm mại thì một kiến trúc sư giỏi là người biết dung hòa hai lĩnh vực có vẻ mâu thuẫn đó, dựa trên những cơ sở kỹ thuật chính xác để thăng hoa cùng những sáng tạo nghệ thuật độc đáo. Chính vì thế người làm trong ngành kiến trúc phải là một nghệ sĩ.
Để học ngành Kiến trúc bạn cần có năng khiếu vẽ. Trên hết, bạn cần có khả năng tính toán và óc tổ chức thẩm mỹ nghệ thuật, sắp xếp không gian để mang đến vẻ đẹp hoàn hảo cho tác phẩm kiến trúc mà không bỏ qua yếu tố công năng và tính kinh tế.
Công việc của các kiến trúc sư không chỉ là thiết kế mặt bằng, không gian, hình thức, cấu trúc của một công trình đơn lẻ mà đầu tiên phải cung cấp những định hướng phát triển không gian, quy hoạch sử dụng đất rồi sau đó mới cụ thể về kiến trúc (công năng, thẩm mỹ, giải pháp kỹ thuật) cho từng khu chức năng, khối công trình.
Xem thêm: Kiến trúc Duy Tân – Ngành học của sự Sáng tạo
Xuất phát từ nhu cầu thực tế về nơi ở, vui chơi, làm việc, đi lại,… kiến trúc sư sẽ cho ra đời những bản thiết kế, mô hình, đồ án,… và vận dụng kỹ năng công nghệ để đưa ra những không gian ảo, từ đó thi công thành công trình hoàn chỉnh. Những tòa nhà, con đường, cây cầu, công viên cho đến khu phố, khu đô thị và cả thế giới tương lai đều được “định hình” từ khối óc chính xác, trái tim lãng mạn, tâm hồn bay bổng và đam mê cháy bỏng của những kiến trúc sư tài ba.
Những kỹ năng một kiến trúc sư cần có
– Nền tảng kiến thức phong phú:
Kiến thức là sức mạnh giúp kiến trúc sư biết được mình là ai, mình đứng ở đâu, minh đang làm gì và sẽ được gì. Trong tác phẩm Cac mac có một câu mô tả kiến trúc sư rất chân thực: “Một con nhện tiến hành các công việc giống với công việc của một thợ dệt, và một con ong hơn hẳn một kiến trúc sư khi xây dựng những chiếc tổ của nó; nhưng điều khiến người kiến trúc sư tồi nhất khác biệt với những con ong tài năng nhất là điều này, rằng người kiến trúc sư đã tưởng tượng ra công trình của mình trước khi anh ta xây dựng nó trên thực tế.”
– Nắm vững các quy tắc và “phá vỡ quy tắc” để thành công:
Phá vỡ quy tắc không nghĩa làm đảo lộn mọi thứ như ném những món đồ lung tung mà làm một “sự bừa bãi có quy tắc”. Một sự sắp đặt vô lý nhưng hoàn toàn dựa trên cơ sở khoa học và nghệ thuật sắp đặt tài tình, điều này sẽ làm thiết kế của bạn thoát ra khỏi tấm áo cũ kĩ và tạo ra sự thu hút.
Kiến trúc sư thông thường luôn bị chi phối bởi rất nhiều nguyên tắc do chủ đầu tư đặt ra. Có những yêu cầu có lý có điều không, tuy nhiên ngoài việc đáp ứng yêu cầu, bạn sẽ thực sự thành công nếu có thể phá vỡ những quy tắc đó để đưa ra một giải pháp tốt hơn và thuyết phục khách hàng theo phương án thiết kế của mình. Việc phá vỡ quy tắc đúng chỗ sẽ giúp cho bản thiết kế trở nên khác biệt, độc đáo.
– Kỹ năng thuyết trình, chinh phục chủ đầu tư:
Hãy nhận thức được ngay từ bây giờ công việc thiết kế chiếm 30% thành công và 70% quyết định chính là chủ đầu tư, các sở ban ngành nhà nước mà bạn cần thông qua. Bạn muốn thành công, hãy bước vào căn nhà chỉ có một cánh cửa và chiến đấu, giữ vững lập trường, thuyết phục, đảo lộn tình thế. Để làm được điều này bạn cần có khả năng thuyết trình trước đám đông dựa trên 4 nguyên tắc: chuẩn mực, cô đọng, hiệu quả và tự tin.
– Lắng nghe:
Biết lắng nghe luôn là kỹ năng quan trọng cho mọi tình huống trong xã hội loài người. Luôn tiếp nhận vô tư những gạch đá và bạn sẽ có được nhiều hơn những gì bạn có thể tưởng tượng ra.
– Đừng quên mình là ai:
Là một kiến trúc sư, bạn sẽ dễ dàng tìm được những cơ hội tuyển dụng tại các công ty, tập đoàn thiết kế – xây dựng với mức lương cao, chế độ ưu đãi tốt. Thêm vào đó, những dự án ngoài cùng những khoản thu nhập không giới hạn luôn nằm trong tầm tay của những kiến trúc sư giỏi và năng động.
Tuy nhiên, sức hấp dẫn thực sự của ngành Kiến trúc thường không phải từ góc độ hào hoa hay khả năng kiếm tiền mà chính ở khía cạnh “không chỉ để kiếm sống” của nó – gắn liền với thiên chức kiến tạo thế giới và làm đẹp cho đời của một kiến trúc sư.
Là một Kiến trúc sư, bạn luôn phải hiểu rõ vai trò và tính chất công việc của mình, có như vậy công việc mới thực sự đạt được những thành công mà bạn mong muốn. Chúc bạn thành công nhé!
Pingback: Muốn học ngành Kiến trúc phải thi khối nào?| Ngành Kiến trúc
Pingback: Làm sao để trở thành một Kiến trúc sư giỏi?| Ngành Kiến trúc