Kiến thức kỹ năng
Những điều Kiến trúc sư mới ra trường cần biết
Kiến trúc là một công việc đòi hỏi phải có sự đam mê. Với nhiều người, trở thành kiến trúc sư không phải là một quyết định dễ dàng bởi quá trình học và tìm việc sau này tốn khá nhiều thời gian. Công việc kiến trúc đòi hỏi sự quyết tâm, làm việc chăm chỉ, và cả niềm đam mê. Thế nhưng, có một số điều mà một kiến trúc sư mới ra trường cần biết rõ.
Xây dựng mạng lưới
Thế giới kiến trúc chỉ nằm trong phạm vi nhất định nên nếu muốn thành công, bạn cần xây dựng một cộng đồng xung quanh bạn. Kể với mọi người về những gì bạn làm và lắng nghe khi mọi người nói về công việc của họ. Tham gia vào các sự kiện để mở rộng mối quan hệ và kết bạn ở mọi tầng lớp xã hội. Bạn sẽ chẳng bao giờ biết người đứng cạnh mình là ai đâu.
Giao tiếp
Con người là trung tâm của hầu hết các triết lý kiến trúc. Bởi vậy giao tiếp chính là chìa khóa. Học cách giao tiếp với bạn bè, cấp trên, và quan trọng nhất là với khách hàng. Phải tự tin trong các cuộc họp. Nếu bạn tin rằng bạn có thể đưa ra hay cải thiện một giải pháp, hãy trình bày chúng. Đừng e ngại, hãy trò chuyện cùng các thành viên trong văn phòng.
Khiến bản thân nổi bật
Ở văn phòng, bạn có thể sẽ bị mắc kẹt với một nhiệm vụ, lặp đi lặp lại cùng một công việc. Nếu bạn có nguyện vọng thay đổi điều đó, hãy cho sếp thấy tiềm năng và hiệu quả công việc của bạn. Nếu bạn quan tâm đến công nghệ xanh hoặc BIM (Mô hình thông tin xây dựng), hãy học hỏi và trở thành chuyên gia. Nghiên cứu mọi thứ về chủ đề này, tham dự hội thảo, theo dõi các tạp chí chuyên ngành và trở thành người đứng đầu trong lĩnh vực mà bạn chọn.
Phát huy kỹ năng phác thảo
Kỹ năng hữu ích nhất của một nhà thiết kế là khả năng suy nghĩ thông qua các bản phác thảo. Bạn có thể tham khảo từ Palladio cho đến Zaha Hadid. Bạn có thấy họ đều phác hoạ không? Nhiều người không để ý đến phác thảo vì công cụ này không chính xác bằng các thiết bị công nghệ. Nhưng tôi cho rằng bạn nên nhìn thế giới qua các phác thảo của bạn.
Hãy phân tích các tòa nhà, các địa điểm và bất cứ điều gì hấp dẫn bạn thông qua các bản phác thảo. Phát triển kỹ năng và phong cách cá nhân của riêng bạn. Quan trọng nhất là phải có một cuốn phác thảo bên mình. Một kiến trúc sư không nên ra ngoài mà thiếu sổ phác họa và một (hoặc hai) chiếc bút chì.
Yêu công việc
Chúng ta đều đã nhìn thấy hình ảnh các kiến trúc sư thiếu ngủ, mệt mỏi và kiệt sức. Vì công việc, bạn phải làm việc nhiều giờ và đôi khi phải thức trắng đêm.
Lời khuyên dành cho bạn là hãy thể hiện niềm đam mê của mình và làm việc có hiệu quả. Đây là một cuộc hành trình gian khổ nhưng cũng rất xứng đáng.
Luôn tự trau dồi và học hỏi
Bạn đã hoàn thành chương trình học của mình nhưng thật không may là mọi việc không kết thúc ở đó. Tri thức là vô hạn. Là một nhà thiết kế không gian, chúng ta luôn phải học hỏi. Trong quá trình làm việc, bạn phải nắm rõ các luật lệ.
Trên hết, cần phải bồi dưỡng kiến thức vì lợi ích của chính bạn. Thường xuyên cập nhật thông tin, đọc nhiều hơn, tải ứng dụng TED cũng như học hỏi từ thành công và thất bại của người khác.
Tìm kiếm một người cố vấn
Tìm cho mình một người cố vấn ở bên ngoài hoặc ngay tại nơi làm việc của bạn. Một người mà bạn khâm phục, sẵn sàng cho bạn lời khuyên và thúc đẩy bạn khi cần thiết. Mặt khác, hãy trở thành người cố vấn. Chia sẻ hiểu biết của bạn với người khác. Điều này thúc đẩy bạn phải học hỏi nhiều hơn, tự củng cố nền tảng kiến thức của mình.
Có kiến thức về hoạt động kinh doanh kiến trúc
Trong lúc nghiên cứu, chúng ta thường tìm cách tiếp cận thiết kế tốt nhất, phần mềm tốt nhất… Nhưng lại quên đi một câu hỏi đơn giản: Kinh doanh kiến trúc hoạt động như thế nào? Hãy tìm hiểu cơ chế hoạt động kinh doanh; cách tìm kiếm và giữ được khách hàng; khách hàng thanh toán khi nào và ở đâu. Tìm hiểu về đấu thầu và tất cả các khía cạnh giúp điều hành văn phòng có hiệu quả.
Biết chấp nhận thất bại
Bạn không thể tránh khỏi thất bại trong quá trình xây dựng sự nghiệp. Đây là một sự thật hiển nhiên. Vì vậy, hãy rút ra bài học từ các thất bại của bạn. Một giảng viên của tôi nói rằng đừng bao giờ sử dụng từ “có vấn đề” khi nhắc đến các thiết kế. Thay vào đó, ông yêu cầu sinh viên coi đó là cơ hội. Xem xét lại các thất bại của bạn một cách khách quan. Từ thất bại bạn sẽ tìm thấy chiến thắng trong tương lai.
Luôn hướng đến thành quả cuối cùng
Luôn ghi nhớ lý do vì sao bạn chọn ngành Kiến trúc. Dù bạn muốn thay đổi thế giới; giảm bớt ảnh hưởng đến môi trường hay muốn tòa nhà chọc trời của bạn trở thành một phần bầu trời New York, hãy giữ vững mục tiêu của bạn dù đó có là gì đi chăng nữa. Hãy để đam mê dẫn lối bạn.
Trong vài năm mới ra trường, bạn sẽ gặp nhiều ngày tồi tệ, thậm chí khiến bạn rơi nước mắt. Đây là lý do vì sao bạn phải giữ mục tiêu của mình ở ngay trước mắt, cả theo nghĩa đen và nghĩa bóng. Bất cứ khi nào mọi chuyện trở nên khó khăn, hãy hướng tới mục tiêu của bạn.
Đối với một kiến trúc sư mới ra trường, với những việc họ phải đối mặt thường không dễ dàng chút nào; mong rằng với những chia sẻ ở trên các kiến trúc sư tương lai sẽ có thêm kinh nghiệm và chuẩn bị tốt nhất cho hành trang sự nghiệp của mình.
Pingback: Kỹ năng cần có của một kiến trúc sư giỏi | Ngành Kiến trúc